Đưa hoạt động chăn nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra đi vào chiều sâu

Đó là mong muốn của các nhà quản lý, doanh nghiệp (DN), hiệp hội ngành hàng trong bối cảnh ngành hàng này đang gặp khó. Muốn vậy, một trong những việc các địa phương trong khu vực ĐBSCL phải làm ngay là thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch ngành hàng, đồng thời tập trung nâng cao chất lượng từ khâu nuôi đến chế biến và xuất khẩu.

Vùng nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: M.H – T.H

Quản lý quy hoạch

Cách đây 1 năm, khi cá tra được thương lái trong và ngoài tỉnh “đổ xô” tìm mua với giá từ 28.000-32.000 đồng/kg (tùy thời điểm), những người có nhiều kinh nghiệm trong nghề nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu như ông Doãn Tới (Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Việt) cảm thấy rất lo lắng. Lúc này ông đã đưa ra dự báo rằng, ngành hàng cá tra trong năm 2020 sẽ gặp khó khăn. Thật vậy, những gì ông Tới lo lắng, chia sẻ với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường cách nay 1 năm, giờ đã trở thành hiện thực.

Hiện nay, giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL rớt xuống còn 17.500-18.000 đồng/kg, người nuôi lỗ từ 3.900-4.100 đồng/kg cá xuất hầm. “Câu chuyện quản lý quy hoạch là vô cùng khó khăn. Đầu năm 2019, chúng tôi vào ĐBSCL để kiểm tra tình hình nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu, đi đến đâu cũng thấy máy cơ giới đào ao ngày đêm, ngăn cản không được, bởi giá cá lên tới 28.000 đồng/kg, người nuôi lãi ít nhất 5.000 đồng/kg, 1 ao nuôi ít nhất cũng 700 tấn, lợi nhuận nhiều quá nên ai cũng ham…” – Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chia sẻ.

Đồng Tháp và An Giang là 2 trong số những địa phương có diện tích nuôi cá tra nhiều nhất các tỉnh ĐBSCL. Theo quy hoạch đã được phê duyệt, Đồng Tháp có diện tích nuôi cá tra trên 2.000ha và An Giang là 1.430ha. Quy hoạch là vậy, song khi cá tra thương phẩm tăng cao, việc quản lý quy hoạch gần như không thể, bởi DN cũng mở rộng diện tích và nông dân cũng vậy, từ đó làm cho diện tích nuôi mới trong năm 2019 tăng lên thêm 1.000ha, hậu quả là cá nguyên liệu trên thị trường cung vượt cầu. Thống kê của Tổng cục Thủy sản cho thấy, năm 2020, toàn vùng ĐBSCL thả nuôi đến 6.025ha và sản lượng đạt trên 1,5 triệu tấn.

Trước thực trạng này, tại Hội nghị đánh giá tình hình sản xuất, tiêu thụ cá tra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-2019 diễn ra tại tỉnh An Giang ngày 7-5 vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã chỉ đạo các tỉnh không tăng thêm diện tích thả nuôi mới, phải đi vào quản lý thật chặt để tránh tình trạng cung vượt cầu, đồng thời đẩy mạnh thực hiện các chương trình trọng điểm mà bộ đã đưa ra để ngành hàng cá tra phát triển bền vững. Cụ thể, đó là vừa quản lý quy hoạch, vừa nâng cao chất lượng con giống, chất lượng sản phẩm, xúc tiến mạnh các thị trường truyền thống lẫn thị trường tiềm năng, đẩy mạnh tiêu thụ cá ở thị trường trong nước cùng nhiều giải pháp mang tính đồng bộ khác.

Nâng cao chất lượng

Theo dõi sát sao những diễn biến từ Hội nghị đánh giá tình hình sản xuất và tiêu thụ cá tra trong dịch bệnh Covid-19, ông Nguyễn Văn Khinh (ngư dân nuôi cá tra tại xã Long Giang, Chợ Mới) cho biết, ông thấy các kiến nghị của DN, giải pháp của hiệp hội ngành hàng, của các nhà quản lý là rất hay. Nếu thực thi tất cả các giải pháp này thì tương lai của ngành hàng cá tra là rất tốt, bởi theo ông, ngành hàng cá tra muốn phát triển thì việc quản lý nó phải đi vào nền nếp như các kiến nghị đưa ra tại hội nghị.

Bên cạnh việc quản lý quy hoạch đã được phê duyệt, theo ông Khinh, nhà nước cần quản lý chặt vấn đề chất lượng sản phẩm. Quản lý chất lượng phải quản lý ở tất cả các khâu từ con giống, nuôi thương phẩm đến chế biến xuất khẩu. Giải pháp đã có, vấn đề ở đây là phải đi vào thực chất, làm một cách đồng bộ từ phía các tỉnh, các DN với sự giám sát của hiệp hội ngành hàng, của cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương.

“Lâu nay chúng ta kêu gọi DN, ngư dân phải có tinh thần thượng tôn pháp luật nhưng qua thực tế, việc này chỉ dừng lại ở việc kêu gọi. Còn nay, nhà nước cần thực thi việc xử phạt nghiêm. Có vậy thì ngành hàng này mới xác lập trật tự như mong đợi” – ông Khinh kiến nghị. Năm 2018, 2019, lợi dụng bối cảnh cá tra có giá, các trại ương giống đã đưa ra cộng đồng con giống thiếu chất lượng, từ đó khi thả giống vào hầm nuôi, có mẻ cá giống tỷ lệ chết lên đến 65%. Khi gặp phải trường hợp này, ngư dân cầm chắc thua lỗ.

“Con giống không chất lượng là do đàn cá bố mẹ chọn lựa không chất lượng, không truy xuất được nguồn gốc. Cá có giá, nhiều hộ bắt cá thương phẩm làm giống rồi đưa ra thị trường con giống giá rẻ hơn so với con giống của chương trình giống cá tra 3 cấp. Đây là vấn đề mà công tác quản lý nhà nước cần kiểm tra nhằm xác lập trật tự trong quản lý con giống…” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư chỉ đạo.

Để nâng cao chất lượng đàn giống, thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã kết hợp với các tỉnh, các viện, trường thực hiện chương tình giống cá tra 3 cấp. Chương trình này nhằm giúp ngành hàng cá tra có được con giống khỏe, sạch bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp để giá thành nuôi ở mức hợp lý, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Mục tiêu của chương trình là vậy, song cho đến nay, con giống từ chương trình này vẫn chưa ra được thị trường, khiến ngư dân lẫn DN rất trông chờ. Đưa hoạt động nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra từng bước đi vào chiều sâu vừa là mục tiêu, vừa là động lực để ngành hàng cá tra phát triển bền vững, có vậy, các bên tham gia ngành hàng này sẽ hạn chế được rủi ro trong quá trình sản xuất, ngành cá tra mới thực sự là ngành hàng mang tính chủ lực của các tỉnh ĐBSCL và cả nước.

“Phải thúc đẩy, cải thiện chất lượng ngành hàng cá tra, đầu tiên là chất lượng con giống, gắn với cải thiện môi trường, để phát triển bền vững. Hỗ trợ các DN đẩy mạnh xúc tiến thị trường để giảm lượng tồn kho, giảm lượng cá dưới ao, giảm bớt khó khăn. Xây dựng kênh phân phối ở thị trường nội địa. Tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc ngành hàng cá tra, tái cấu trúc sản phẩm theo hướng nâng cao chất lượng. Tiếp tục áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất để giảm giá thành nuôi, tăng chất lượng sản phẩm, hướng đến cạnh tranh lành mạnh…” – Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam Dương Nghĩa Quốc kiến nghị.

MINH HIỂN