Làng khô thiếu cá nguyên liệu chế biến

Thiếu cá nguyên liệu là thực trạng mà các cơ sở chế biến khô trong tỉnh An Giang đang đối mặt. Loại cá thiếu hụt nhiều nhất là cá sặc rằn, cá tra…

Cá sặc rằn nguyên liệu phục vụ chế biến khô đang thiếu trầm trọng.

Tại các cơ sở chế biến khô cá ở huyện Chợ Mới, Thoại Sơn, An Phú, TX. Tân Châu… cơ sở chế biến phải giảm 50% lượng nhân công, cá biệt một số nơi phải ngưng sản xuất mặt hàng khô cá sặc rằn, cá tra, chờ có cá nguyên liệu thì mới chế biến trở lại. “Hơn 30 năm qua, chưa năm nào cá sặc rằn thiếu hụt trầm trọng như hiện nay. Tình trạng thiếu nguyên liệu dẫn đến cơ sở mất rất nhiều khách hàng tiêu thụ. Đa phần họ bỏ chúng tôi để mua sản phẩm của cơ sở khác, đây là thiệt hại không thể tính toán được trong kinh doanh” – bà Trần Thị Lan (Cơ sở chế biến khô cá ở xã Vĩnh Xương, TX. Tân Châu) bức xúc.

Đầu năm 2022, 1kg cá sặc rằn nguyên liệu (cỡ 6 con/kg), cơ sở nhập vào với giá 60.000 đồng/kg. Hiện nay, cũng cùng kích cỡ này, chủ cơ sở chế biến khô cá phải mua với giá 80.000 đồng/kg (không có cá nguyên liệu để mua). Mức chênh lệch lên đến 20.000 đồng/kg, trong khi giá thành phẩm đầu ra tăng chỉ hơn 10.000 đồng/kg, thực trạng này đã dẫn đến hàng loạt cơ sở thua lỗ, ngưng chế biến hoặc làm cầm chừng.

Tình trạng thiếu cá nguyên liệu gây thiệt hại lớn cho các cơ sở chế biến khô cá trong tỉnh. Thiệt hại là do giá nguyên liệu đầu vào tăng, trong khi giá thành phẩm (đầu ra) tăng không đáng kể. Khách hàng truyền thống “lần lượt ra đi”, tìm nơi khác mua hàng. Không có nguyên liệu chế biến nhưng cơ sở phải duy trì hoạt động bình thường, trả lương cho nhân công mỗi ngày; nợ ngân hàng đến hạn trả vốn lẫn lãi nhưng không có tiền để trả nợ… Tất cả những khó khăn đó đang dồn vào các cơ sở chế biến khô cá.

“Nguồn khô cá sặc rằn, cá tra ở chợ đầu mối Bình Điền đa phần do các cơ sở chế biến khô ở tỉnh Cà Mau, An Giang cung cấp. Riêng cá tra thì ngoài An Giang còn có tỉnh Đồng Tháp, TP. Cần Thơ. Nay, các cơ sở chế biến gặp khó khăn về cá nguyên liệu đầu vào, từ đó lượng hàng về chợ đầu mối bị thiếu hụt trầm trọng, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn”- anh Trần Tuấn Nam (Vựa khô cá Tuấn Nam, chợ đầu mối Bình Điền, TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ.

Theo bà Lan, nguyên nhân thiếu cá nguyên liệu phục vụ chế biến là do trong 2 năm dịch bệnh vừa qua, ngư dân nuôi cá sặc rằn và cá tra bị thua lỗ nặng. Cá nuôi đến kỳ thu hoạch mà không bán được, tình trạng thua lỗ dẫn đến nhiều hộ phá sản.

“Hiện nay, ở xã Láng Biển này, số hộ nuôi cá sặc rằn trong ao đất chỉ còn phân nửa (khoảng 50%), trong khi từ đầu năm đến nay, dịch bệnh đã được kiểm soát, các cơ sở chế biến khô cá đã hoạt động trở lại, gây ra tình trạng thiếu nguyên liệu trầm trọng” – ông Nguyễn Văn Bảy (xã Láng Biển, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) chia sẻ.

Ở ĐBSCL, việc cung cấp cá sặc rằn làm nguyên liệu chế biến khô cho các cơ sở chế biến khô cá tại tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Cà Mau… đa phần từ xã Láng Biển (huyện Tháp Mười), vì nơi đây nuôi cá sặc rằn rất mạnh. Khi người dân nghỉ nuôi thì ngay lập tức, nguyên liệu phục vụ chế biến trở nên thiếu hụt. Mặt hàng khô cá sặc rằn là vậy. Còn đối với cá tra, tình trạng thiếu nguyên liệu chế biến đã xảy ra. Giá nguyên liệu đầu vào nay ở mức 29.000 đồng/kg, từ đó làm cho giá thành sản phẩm tăng lên, khách hàng tìm loại khô khác thay thế.

“Đây là năm mà các cơ sở chế biến khô cá tra gặp rất nhiều khó khăn. Nhu cầu nhập khẩu cá tra phi-lê tăng mạnh trở lại tại các quốc gia phát triển, người nuôi cá tra thích bán cá cho các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu hơn là bán cho các cơ sở chế biến khô, bởi giá bán cao, thanh toán bằng tiền mặt, số lượng mỗi lần bắt nhiều. Trong khi bán cho các cơ sở chế biến khô, sản lượng bắt mỗi lần ít, giá thấp hơn các đơn vị thu mua xuất khẩu” – bà Lê Thị Lài (phường Long Châu, TX. Tân Châu) chia sẻ.

Cơ sở khô thiếu cá nguyên liệu phục vụ chế biến là một thực trạng mà các cơ sở chế biến khô cá đang đối mặt. Từ thiếu nguyên liệu đã dẫn đến việc giam khách hàng tiêu thụ, nhân công ngành hàng chế biến khô cá phải đi tìm việc khác để mưu sinh…

“Trước thực trạng thiếu cá nguyên liệu phục vụ chế biến, buộc lòng chúng tôi phải nghĩ đến việc liên kết trong khâu nuôi cá nguyên liệu để đảm bảo chế biến lâu dài. Việc liên kết mở ra triển vọng lớn nhằm ổn định giá nguyên liệu đầu vào, giá thành phẩm bán ra. Mục tiêu cuối cùng là chất lượng sản phẩm đảm bảo, giá bán phải cạnh tranh” – bà Trần Thị Lan (Cơ sở chế biến khô cá ở xã Vĩnh Xương, TX. Tân Châu) chia sẻ.

MINH HIỂN